Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Chagas là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Chagas là bệnh nhiễm ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, lây truyền qua vết đốt của bọ Triatominae, uống nước mía hoặc thực phẩm bị nhiễm Triatominae hoặc phân của chúng, truyền từ người mẹ nhiễm bệnh sang thai nhi, qua truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng từ người hiến tặng nhiễm bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh chagas là gì?

Bệnh Chagas là bệnh nhiễm ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, lây truyền qua vết cắn của bọ Triatominae, ăn uống thực phẩm bị nhiễm bọ Triatominae hoặc phân của chúng. Bệnh còn có thể truyền qua nhau thai từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang thai nhi, qua truyền máu hoặc ghép nội tạng từ một người hiến tặng bị nhiễm bệnh.

Các triệu chứng sau khi bị Triatominae cắn thường là tổn thương da hoặc phù nề quanh hốc mắt một bên, sau đó tiến triển thành sốt, khó chịu, nổi hạch toàn thân và gan lách to; nhiều năm sau, 20 - 30% bệnh nhân nhiễm bệnh bị loạn nhịp tim, bệnh cơ tim mãn tính, thực quản giãn to hoặc phình đại tràng (ít phổ biến). Chẩn đoán bằng cách phát hiện ký sinh trùng trong máu ngoại vi hoặc dịch hút từ các cơ quan bị nhiễm bệnh. Điều trị bằng nifurtimox hoặc benznidazole; tuy nhiên, thuốc này không đảo ngược tiến trình của bệnh tim hoặc đường ruột đã tiến triển.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Chagas

Nhiễm T. cruzi có 3 giai đoạn:

  • Cấp

  • Tiềm ẩn

  • Mãn tính

Sau giai đoạn cấp tính, bệnh có thể tiềm ẩn không có triệu chứng hoặc tiến triển thành bệnh mãn tính. Sự ức chế miễn dịch có thể kích hoạt nhiễm trùng tiềm ẩn, gây tăng lượng ký sinh trùng trong máu và tổn thương da hoặc não ở một số người.

Cấp tính

Nhiễm T. cruzi cấp tính ở các vùng dịch thường xảy ra ở trẻ em và có thể không có triệu chứng. Khi xuất hiện, các triệu chứng khởi phát 1 - 2 tuần sau khi tiếp xúc. Tổn thương da ban đỏ (u chagoma) xuất hiện tại vị trí ký sinh trùng xâm nhập. Khi phù kết mạc, phù nề quanh mắt và vòm miệng một bên kèm theo viêm kết mạc và nổi hạch trước não thất được gọi chung là dấu hiệu Romaña.

Bệnh Chagas cấp tính hiếm khi gây tử vong; nguyên nhân do viêm cơ tim cấp kèm theo suy tim hoặc viêm não màng não. Phần còn lại, các triệu chứng giảm dần mà không cần điều trị.

Bệnh Chagas cấp tính nguyên phát ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS…) có thể nặng và không điển hình, với các tổn thương da và hiếm khi áp xe não.

Nhiễm trùng bẩm sinh hầu hết không có triệu chứng, 10 - 40% trường hợp có biểu hiện không đặc hiệu, bao gồm sinh non, nhẹ cân, sốt, gan lách to, thiếu máu và giảm tiểu cầu; hiếm khi tử vong do bệnh tối cấp. Các dấu hiệu của nhiễm trùng cấp tính biến mất ngay cả khi không điều trị trong phần lớn các trường hợp.

Tiềm ẩn

Bệnh nhân bị nhiễm trùng tiềm ẩn không có triệu chứng, không phát hiện bất thường về thể chất, cũng như tim hoặc tiêu hóa được đánh giá qua các cận lâm sàng.

Nhiều bệnh nhân phát hiện nhiễm bệnh qua xét nghiệm máu bằng kỹ thuật ELISA và xét nghiệm kết tủa phóng xạ xác nhận (RIPA) khi hiến máu.

Mãn tính 

Bệnh Chagas mãn tính tiến triển ở 20 - 30% bệnh nhân sau giai đoạn mãn tính không xác định, có thể kéo dài nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ. Các ký sinh trùng có thể có trong bệnh mãn tính; phản ứng tự miễn dịch cũng có thể góp phần gây tổn thương cơ quan, biểu hiện chính ở:

Bệnh tim thường biểu hiện qua bất thường dẫn truyền bao gồm block nhánh phải hoặc block trước trái. Bệnh cơ tim mãn tính dẫn đến phình to tất cả buồng tim, phình động mạch và tiến triển tổn thương trong hệ thống dẫn truyền. Biểu hiện suy tim, ngất, đột tử do block tim hoặc loạn nhịp thất, hoặc huyết khối tắc mạch. Trên điện tâm đồ có thể cho thấy block nhánh phải hoặc block tim hoàn toàn.

Bệnh đường tiêu hóa có triệu chứng giống như bệnh co thắt tâm vị hoặc Hirschsprung. Giãn thực quản biểu hiện như chứng khó nuốt và có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi do hít phải hoặc thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng. Phình đại tràng có thể gây táo bón kéo dài và tắc ruột.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Chagas

Nếu bệnh Chagas tiến triển sang giai đoạn mãn tính, các biến chứng nghiêm trọng về tim hoặc tiêu hóa có thể xảy ra, bao gồm:

  • Suy tim: Tim trở nên yếu hoặc cứng đến mức không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

  • Giãn thực quản: Gây khó nuốt và tiêu hóa.

  • Phình đại tràng: Gây đau dạ dày, sưng tấy và táo bón nghiêm trọng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Chagas

Nguyên nhân do ký sinh trùng Trypanosoma cruzi (T.cruzi) gây ra. Ký sinh trùng được truyền cho người từ vết cắn của bọ cánh cứng Triatominae. Sau đó ký sinh trùng xâm nhập cơ thể qua mắt, miệng, vết trầy xước hoặc vết thương từ vết cắn của côn trùng. Gãi hoặc chà xát chỗ bị cắn sẽ giúp ký sinh trùng xâm nhập nhanh hơn. Một khi vào trong cơ thể, ký sinh trùng sẽ sinh sôi và lây lan.

Ngoài ra, bệnh Chagas còn do các nguyên nhân:

  • Ăn phải thực phẩm chưa nấu chín có chứa phân từ bọ nhiễm ký sinh T.cruzi.

  • Mẹ bị nhiễm T.cruzi truyền sang con khi sinh.

  • Ghép tạng, truyền máu của người nhiễm T.cruzi.

  • Làm việc và sinh hoạt trong phòng thí nghiệm tiếp xúc với ký sinh trùng.

  • Tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Bệnh Chagas?

Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh Chagas, nhất là đối tượng đang sinh sống hoặc đi du lịch đến vùng dịch mà không có các biện pháp bảo vệ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Bệnh Chagas

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Bệnh Chagas, bao gồm:

  • Sống ở các vùng nông thôn nghèo ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và Mexico.

  • Sống trong nơi cư trú có bọ triatomine.

  • Nhận máu hoặc được cấy ghép nội tạng từ người mang mầm bệnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Chagas

  • Soi máu hoặc mô (bệnh Chagas cấp tính) dưới kính hiển vi.

  • Kiểm tra huyết thanh sàng lọc được xác nhận bằng mẫu thứ hai.

  • Các xét nghiệm dựa trên phản ứng chuỗi polymerase.

Số lượng Typanosomes trong máu ngoại vi lớn trong giai đoạn cấp tính của bệnh Chagas dễ dàng phát hiện bằng soi kính hiển vi. Ngược lại, trong giai đoạn tiềm ẩn hoặc mãn tính có rất ít ký sinh trùng. Chẩn đoán xác định bệnh giai đoạn cấp tính cũng được thực hiện bằng cách kiểm tra mô từ các hạch bạch huyết hoặc tim.

Ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc bệnh Chagas mãn tính, xét nghiệm huyết thanh học như kháng thể huỳnh quang gián tiếp (IFA), xét nghiệm miễn dịch enzyme (EIA), hoặc xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme (ELISA) thường được thực hiện để phát hiện kháng thể đối với T. cruzi. Các xét nghiệm huyết thanh nhạy cảm nhưng có thể cho dương tính giả ở những bệnh nhân mắc bệnh leishmaniasis hoặc các bệnh khác.

Do đó, cần kết hợp với một hoặc nhiều xét nghiệm khác (như xét nghiệm kết tủa phóng xạ [RIPA]) hoặc soi máu hoặc mẫu mô để xác định chẩn đoán. Các xét nghiệm huyết thanh học cũng được sử dụng để sàng lọc máu hiến tặng ở các vùng dịch.

Xét nghiệm dựa trên phản ứng chuỗi polymerase (PCR) được sử dụng khi số lượng ký sinh trùng trong máu cao, như trong bệnh Chagas cấp tính, lây truyền qua nhau thai hoặc qua truyền máu, cấy ghép hoặc tiếp xúc với mẫu vật phòng thí nghiệm. Trong các vùng dịch, sử dụng phương pháp chẩn đoán xenodiagnosis - kiểm tra mẫu chứa trong ruột của bọ Triatominae được nuôi trong phòng thí nghiệm sau khi chúng cắn người bị nghi ngờ mắc bệnh Chagas.

Xét nghiệm bổ sung cho bệnh nhân mắc bệnh Chagas mãn tính:

  • Không có triệu chứng nhưng đã ghi nhận nhiễm T. cruzi: Đo điện tâm đồ, chuyền đạo và chụp X quang ngực.

  • Các bất thường tiềm ẩn về tim khi xét nghiệm sàng lọc hoặc các triệu chứng gợi ý bệnh tim: Siêu âm tim.

  • Chứng khó nuốt hoặc các triệu chứng hoặc phát hiện về đường tiêu hóa (GI) khác: Chụp cản quang ống tiêu hoá và/hoặc nội soi.

Phương pháp điều trị Bệnh Chagas hiệu quả

  • Benznidazole hoặc nifurtimox.

  • Chăm sóc hỗ trợ.

Điều trị bệnh Chagas giai đoạn cấp tính bằng thuốc kháng ký sinh trùng nhằm:

  • Giảm nhanh chóng số lượng ký sinh trùng trong máu.

  • Giảm triệu chứng lâm sàng.

  • Giảm nguy cơ tử vong.

  • Giảm nguy cơ tiến triển mãn tính.

Chỉ định thuốc kháng ký sinh trùng cho tất cả các trường hợp bệnh Chagas cấp tính, bẩm sinh, tái hoạt và tiềm ẩn ở trẻ em đến 18 tuổi. Bệnh nhân càng trẻ và bắt đầu điều trị càng sớm thì khả năng điều trị khỏi ký sinh trùng càng cao.

Hiệu quả điều trị giảm khi thời gian nhiễm bệnh kéo dài và các tác dụng phụ dễ xảy ra hơn ở người lớn. Khuyến cáo điều trị cho người từ 18 - 50 tuổi trừ khi có bằng chứng của bệnh tim hoặc đường tiêu hóa (GI) tiến triển. Đối với bệnh nhân trên 50 tuổi, cá thể hóa điều trị dựa trên rủi ro tiềm ẩn và lợi ích.

Không chỉ định thuốc kháng ký sinh trùng nếu có dấu hiệu bệnh tim hoặc GI cấp tiến triển. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm điều trị suy tim, đặt máy tạo nhịp tim, thuốc chống loạn nhịp tim, cấy ghép tim, giãn nở thực quản, tiêm độc tố botulinum vào cơ thắt thực quản dưới và phẫu thuật đường tiêu hóa loại bỏ đoạn phình đại tràng.

Thuốc chống ký sinh trùng 

Benznidazole: 

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 2,5 - 3,5mg/kg, uống 2 lần/ngày trong 60 ngày.

  • Trẻ em dưới 12 tuổi: 2,5 - 3,75mg/kg, uống 2 lần/ngày trong 60 ngày.

Tác dụng phụ thường gặp: Viêm da dị ứng, chán ăn, giảm cân, bệnh thần kinh ngoại vi và mất ngủ.

Nifurtimox: 

  • Bệnh nhân trên 17 tuổi: 2 - 2,5mg/kg, uống 4 lần/ngày trong 90 ngày.

  • Trẻ em 11 - 16 tuổi: 3 - 3,75mg/kg, uống 4 lần/ngày trong 90 ngày.

  • Trẻ em 1 - 10 tuổi: 4 - 5mg/kg, uống 4 lần/ngày trong 90 ngày.

Tác dụng phụ thường gặp: Chán ăn, buồn nôn, nôn, giảm cân, viêm đa dây thần kinh, nhức đầu, chóng mặt và hoa mắt.

Benznidazole thường được dung nạp tốt hơn và thời gian điều trị ngắn hơn. Cả benznidazole và nifurtimox đều có độc tính đáng kể và tăng theo tuổi. Chống chỉ định điều trị cho bệnh gan hoặc thận nặng, phụ nữ có thai và cho con bú.

Khi phụ nữ được chẩn đoán mắc Chagas trong thai kỳ, việc điều trị thường bị trì hoãn cho đến sau khi sinh và trẻ sơ sinh sẽ được điều trị nếu bị nhiễm bệnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Bệnh Chagas

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Sử dụng thực phẩm sạch, nấu chín thức ăn và nước uống trước khi dùng.

  • Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăn màn và vệ sinh đồ dùng cá nhân sạch sẽ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng như protein, vitamin, khoáng chất để tăng cường sức khoẻ và khả năng đề kháng bệnh.

  • Không ăn động vật nghi ngờ nhiễm bệnh và cần phải nấu chín trước khi ăn.

Phương pháp phòng ngừa Bệnh Chagas hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Trát tường và thay mái tranh hoặc phun thuốc diệt côn trùng trong nhà để tiêu diệt bọ Triatominae. 

  • Việc lây nhiễm ở những người du lịch là rất hiếm và có thể tránh được bằng cách sử dụng màn hoặc không ở trong những ngôi nhà làm bằng tranh, tôn hoặc đất bùn.

  • Một biện pháp phòng ngừa khác là tránh nước mía tươi hoặc các thực phẩm khác có thể bị ô nhiễm. 

  • Sàng lọc những phụ nữ có nguy cơ trong độ tuổi sinh đẻ và điều trị trước khi mang thai làm giảm khả năng nhiễm trùng bẩm sinh.

  • Những người hiến máu và nội tạng được sàng lọc ở vùng dịch bệnh để ngăn ngừa bệnh Chagas liên quan đến truyền máu và cấy ghép nội tạng.

  • Định kỳ phun thuốc diệt côn trùng trong nhà.

  • Sử dụng thuốc chống côn trùng trên da.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/extraintestinal-protozoa/chagas-disease

2. https://www.cdc.gov/parasites/chagas/

3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chagas-disease/symptoms-causes/syc-20356212

Các bệnh liên quan

  1. Áp xe vú

  2. Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

  3. Nhiễm giun tóc

  4. Ebola

  5. HIV/AIDS

  6. Viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan

  7. Sốt siêu vi

  8. Nhiễm Escherichia coli

  9. Giun tròn

  10. Giun tim