Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhức mỏi mắt ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chứng nhức mỏi mắt thường xảy ra khi chúng ta điều tiết mắt ở cường độ cao khiến mắt bị khô, đau nhức, mỏi mệt… Nhức mỏi mắt thường không gây hậu quả gì nghiêm trọng, tuy nhiên bạn nên có các phương pháp bảo vệ mắt để hạn chế tình trạng này, đặc biệt là khi phải nhìn màn hình máy tính liên tục trong thời gian dài.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhức mỏi mắt là gì?

Khi mắt phải làm việc với cường độ cao như đọc sách quá lâu, lái xe đường dài, làm việc hay vào màn hình máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng nhức mỏi mắt.

Mặc dù nhức mỏi mắt có thể gây nhiều bất tiện nhưng nếu bạn biết thư giãn mắt hoặc thực hiện những bài tập giúp mắt bớt mệt mỏi, thì sẽ giúp tình trạng nhức mỏi mắt của bạn được cải thiện và biến mất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhức mỏi mắt

Các dấu hiệu của tình trạng nhức mỏi mắt, bao gồm:

  • Mắt đau hoặc kích thích;

  • Khó tập trung;

  • Mắt khô hoặc chảy nước;

  • Mắt mờ hoặc nhìn thấy hai hình;

  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng;

  • Cổ, vai hoặc lưng đau.

Tác động của nhức mỏi mắt đối với sức khỏe

Mỏi mắt tuy không nghiêm trọng nhưng nếu bạn không có động thái điều trị và để mặc bệnh kéo dài thì mỏi mắt có thể gây ra một số phiền nhiễu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của bạn như gây khó chịu và khiến bạn mệt mỏi, làm giảm khả năng tập trung.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhức mỏi mắt

Có nhiều nguyên nhân gây nhức mỏi mắt, chủ yếu là do điều tiết mắt ở cường độ cao:

  • Nhìn vào màn hình thiết bị kỹ thuật số trong thời gian dài.

  • Đọc sách mà không tạm dừng để mắt được nghỉ ngơi.

  • Đọc sách, làm việc trên máy tính ở cự ly quá gần.

  • Lái xe đường dài và thực hiện các hoạt động khác khiến mắt phải tập trung trong thời gian dài.

  • Tiếp xúc với ánh sáng mạnh, chói.

  • Tăng cường điều tiết mắt để nhìn trong ánh sáng rất mờ.

  • Có vấn đề về mắt tiềm ẩn (khô mắt, các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị…).

  • Bị căng thẳng hoặc mệt mỏi.

  • Tiếp xúc với không khí khô từ quạt, hệ thống sưởi hoặc hệ thống điều hòa không khí.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhức mỏi mắt?

Đối tượng có nguy cơ nhức mỏi mắt:

  • Tài xế lái xe đường dài.
  • Nhân viên văn phòng.
  • Học sinh, sinh viên.
  • Người có thị lực kém.
  • Người sinh sống ở những vùng có mức độ ô nhiễm không khí cao.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhức mỏi mắt

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhức mỏi mắt, bao gồm:

  • Chất lượng không khí (môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi có thể gây đau mỏi mắt).

  • Tính chất công việc phải làm việc với máy tính hoặc lái xe cả ngày.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhức mỏi mắt

Kiểm tra mắt và thị lực với bác sĩ chuyên khoa mắt.

Phương pháp điều trị nhức mỏi mắt hiệu quả

Thay đổi thói quen đọc sách, làm việc, học tập:

  • Nhìn sách và thiết bị điện tử ở cự ly hợp lý.

  • Cần cho mắt nghỉ ngơi một lúc xen giữa khoảng thời gian sử dụng mắt liên tục. 

  • Đọc sách, báo ở nơi có ánh sáng thích hợp.

Dùng nước mắt nhân tạo để ngừa và giảm khô mắt.

Điều trị các bệnh về mắt nếu đang mắc phải những bệnh này.

Đeo kính đúng độ nếu bị mắc các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị…).

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Nhức mỏi mắt

Chế độ sinh hoạt:

  • Theo dõi thị lực thường xuyên và cần đi khám ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu nào (nhìn mờ, đau mắt…).

  • Cải thiện chất lượng không khí ở môi trường sống (dùng máy tạo độ ẩm để tránh khô mắt, máy lọc không khí để lọc bớt khói bụi có hại cho mắt…).

  • Chớp mắt giúp làm ẩm và đỡ mỏi mắt, đặt biệt là khi nhìn lâu vào điện thoại, máy tính.

  • Không để ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt.

  • Không dụi mắt.

  • Cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn ra xa khoảng 6 m sau khi mỗi 20 phút đọc sách, làm việc.

  • Điều chỉnh ánh sáng phù hợp (không quá sáng cũng không quá tối) khi đọc sách, xem ti vi, sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử khác.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung thêm một số sản phẩm tốt cho mắt như acid béo omega - 3 từ dầu cá, vitamin A, vitamin E, vitamin C…

Phương pháp phòng ngừa nhức mỏi mắt hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý:

  • Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử mỗi ngày, đặc biệt là đối với trẻ em.

  • Nên bỏ thuốc lá (nếu có hút) và tránh cả việc hút thuốc lá thụ động.

  • Chọn kính mắt có độ phù hợp nếu đang mắc các tật khúc xạ. Nếu sử dụng kính áp tròng thì cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng khô mắt.

  • Không nhìn thẳng trực tiếp vào các nguồn sáng chói.

  • Đọc sách, sử dụng thiết bị điện tử ở cự ly thích hợp và nên để màn hình ngang tầm mắt hoặc thấp hơn một chút.

  • Sau khi tập trung nhìn một thứ gì đó sau mỗi 20 phút, bạn nên cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn ra xa chừng 6m trong ít nhất 20 giây.

  • Giữ môi trường sống luôn sạch, dùng máy lọc không khí để hạn chế khói bụi có thể gây đau mỏi mắt.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/eye-health/eye-strain
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eyestrain/symptoms-causes/syc-20372397
  3. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/eyestrain

Các bệnh liên quan

  1. Đau mắt đỏ

  2. Khô mắt

  3. Viêm mô tế bào quanh hốc mắt

  4. Bọng mắt

  5. Viêm tắc tuyến lệ

  6. Glôcôm góc mở nguyên phát

  7. Mộng thịt

  8. Viêm giác mạc chấm nông

  9. Bong võng mạc

  10. Đục thủy tinh thể ở người già