Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thiếu máu thiếu sắt: Nguyên nhân gây bệnh và phương pháp phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý rất phổ biến trên thế giới và thường gặp ở các nước nghèo do nguyên nhân mất máu hoặc kém hấp thu. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng như phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn. Tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ mà biểu hiện bệnh khác nhau. Nhìn chung thiếu máu gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe như mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao… Bài viết sau đây sẽ nói rõ hơn về căn bệnh này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thiếu máu thiếu sắt là gì? 

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ lượng sắt trong cơ thể để tạo ra hemoglobin vì những nguyên nhân khác nhau. Hemoglobin là chất cần thiết để vận chuyển oxy và nếu có quá ít hoặc bất thường tế bào hồng cầu, hoặc không đủ lượng hemoglobin, nó sẽ dẫn tới giảm khả năng vận chuyển oxy đến các mô của cơ thể. 

Thiếu sắt phát triển theo từng giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, nhu cầu sắt vượt quá lượng bổ sung, gây ra giảm lượng dự trữ ở tủy xương. Khi dự trữ giảm, hấp thu sắt tăng lên để bù. Trong giai đoạn sau, thiếu sắt làm ảnh hưởng tổng hợp hồng cầu, cuối cùng gây thiếu máu.

Thiếu sắt trầm trọng và kéo dài cũng có thể gây rối loạn chức năng của các enzyme tế bào có chứa sắt.

Vai trò của sắt và nhu cầu sắt trong cơ thể

Một số vai trò của sắt đối với nhu cầu cơ thể như sau: 

  • Sắt là một trong những chất vi lượng có vai trò quan trọng bậc nhất có mặt trong hầu hết các tổ chức của cơ thể như: Trong hemoglobin (Hb), myoglobin và một số enzyme. Sắt tham gia vào các quá trình chuyển hoá như vận chuyển oxy, tổng hợp DNA, vận chuyển electron…

  • Ở người bình thường, 90 - 95% lượng sắt trong cơ thể được tái sử dụng từ nguồn sắt do hồng cầu già bị phá hủy và giải phóng ra, có 5 - 10% (1 - 2mg) lượng sắt được bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi, phân. Để bù lại lượng sắt mất cơ thể nhận thêm sắt từ thức ăn, quá trình hấp thu sắt diễn ra chủ yếu ở dạ dày, hành tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt

Triệu chứng lâm sàng của thiếu máu thiếu sắt diễn biến từ từ qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Chỉ giảm sắt dự trữ nên người bệnh chưa bị thiếu máu, thường có một số triệu chứng của nguyên nhân gây thiếu sắt.

Giai đoạn 2: Đã cạn sắt dự trữ và giảm sắt vận chuyển, người bệnh chưa có biểu hiện rõ tình trạng thiếu máu, có triệu chứng của nguyên nhân gây thiếu sắt; bắt đầu có triệu chứng của thiếu sắt như: Mất tập trung, mệt mỏi…

Giai đoạn 3: Thiếu máu và thể hiện là có cả triệu chứng của thiếu máu và thiếu sắt. Tuy nhiên, ranh giới giữa các giai đoạn không rõ ràng.

  • Triệu chứng cơ năng: Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế, tức ngực, giảm khả năng hoạt động thể lực và trí lực.

  • Triệu chứng thực thể: Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, nhẵn do mất hoặc mòn gai lưỡi, lông, tóc, móng khô dễ gãy.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu thiếu sắt

Không cung cấp đủ nhu cầu sắt:

  • Do tăng nhu cầu sắt: Phụ nữ mang thai, tuổi dậy thì, thời kỳ hành kinh,...

  • Do cung cấp thiếu, chế độ ăn uống ít chất sắt.

  • Do cơ thể giảm hấp thu sắt: Cơ thể có vấn đề về ruột non, dạ dày, mắc bệnh celiac, crohn….

Mất sắt do mất máu mạn tính:

  • Loét dạ dày tá tràng biến chứng chảy máu, ung thư đường tiêu hóa, nhiễm giun móc, polyp đường ruột,…; viêm chảy máu đường tiết niệu, mất máu nhiều qua kinh nguyệt; sau phẫu thuật, sau chấn thương; u xơ tử cung.

  • Tan máu trong lòng mạch: Bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm.

Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh: Cơ thể không tổng hợp được transferrin vận chuyển sắt.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) thiếu máu thiếu sắt?

Một số đối tượng có nguy bị thiếu máu thiếu sắt, bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai và sau sinh có thể bị thiếu máu do thiếu sắt do nhu cầu sắt tăng lên của thai nhi và nhau thai đang phát triển cùng với sự mất máu vào thời điểm sinh nở.

  • Người ăn chay thường ăn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, vì thế lượng sắt hấp thụ vào cơ thể cũng ít hơn người bình thường.

  • Người ăn uống thiếu chất dinh dưỡng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) thiếu máu thiếu sắt

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thiếu máu thiếu sắt bạn cần chú ý như:

  • Nguyên nhân phổ biến của thiếu máu do thiếu sắt ở các nước đang phát triển là do thiếu thực phẩm có chứa sắt.

  • Ăn các thực phẩm giảm sự hấp thu sắt: Thực phẩm nhiều canxi, tanin, acid oxalic, gluten, phytate trong chè, cà phê, nước uống có gas…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

Vì thiếu sắt xảy ra trước khi có biểu hiện thiếu máu do đó một người có thể được chẩn đoán là thiếu máu do thiếu sắt (hoặc thiếu sắt không thiếu máu) sau khi xét nghiệm máu để đánh giá các triệu chứng hoặc sau khi xét nghiệm vì một lý do khác, không liên quan. Việc chẩn đoán ban đầu thường bao gồm hỏi tiền sử bệnh, khám lâm sàng và xét nghiệm máu.

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán nguyên nhân

Dựa vào thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên của thiếu máu thiếu sắt là do giảm cung cấp sắt hay mất sắt do mất máu hoặc do các nguyên nhân phối hợp.

Phương pháp xét nghiệm

  • Xét nghiệm xác định mức độ và tính chất thiếu máu: Số lượng hồng cầu, lượng huyết sắc tố và tỷ lệ hematocrit giảm, hồng cầu nhỏ, nhược sắc.

  • Xét nghiệm đánh giá mức độ thiếu sắt: Sắt huyết thanh giảm, ferritin giảm, transferrin tăng; khả năng gắn sắt toàn thể tăng; độ bão hòa transferrin giảm.

  • Một số xét nghiệm tìm nguyên nhân: Soi dạ dày, soi đại tràng, siêu âm ổ bụng,

  • Tìm ký sinh trùng đường ruột (trứng giun móc trong phân); CD55, CD59 (chẩn đoán bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm).

Phương pháp điều trị thiếu máu thiếu sắt hiệu quả

Nguyên tắc điều trị

Hạn chế truyền máu, chỉ truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng, mất bù. 

Bổ sung các dạng chế phẩm sắt bằng truyền tĩnh mạch hoặc dung dịch uống, viên nén, khuyến khích sử dụng thuốc bổ sung sắt dạng uống.

Chỉ định sử dụng sắt đường truyền tĩnh mạch trong các trường hợp sau: 

  • Thiếu máu nặng, rất nặng; 

  • Cơ thể không hấp thu được sắt khi dùng dạng uống: Cắt đoạn ruột, dạ dày, bệnh bẩm sinh; 

  • Thiếu máu trong khi bệnh mạn tính hoặc viêm nhiễm đang tiến triển. 

Giai đoạn sớm khi mới thiếu sắt chưa thiếu máu: Bổ sung sắt qua thức ăn và uống các chế phẩm chứa sắt. 

Thời gian bổ sung sắt: Kéo dài, nên tiếp tục bổ sung sắt thêm ba tháng sau khi lượng huyết sắc tố trở đã về bình thường. 

Phối hợp với điều trị nguyên nhân: Cần tìm được nguyên nhân gây thiếu sắt để điều trị đồng thời với điều trị thiếu máu thiếu sắt. 

Các chế phẩm thuốc bổ sung sắt

Dạng uống: 

  • Ferrous sulfate; ferrous gluconate; ferrous fumarate; 

  • Liều lượng: 2mg sắt/kg/ngày; 

  • Thời gian dùng thuốc: 6 tháng đến 12 tháng. 

Nên bổ sung thêm vitamin C hoặc uống thêm nước cam, chanh để tăng khả năng hấp thu sắt.

Lưu ý: Thuốc hấp thu tốt nhất khi uống vào lúc đói, tuy nhiên nếu bị kích ứng dạ dày thì có thể uống trong lúc ăn. Phân có màu đen, táo (không phải do xuất huyết tiêu hóa).

Dạng truyền tĩnh mạch: Iron sucrose; Iron dextran.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thiếu máu thiếu sắt

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Người bệnh thiếu máu thiếu sắt nên thực hiện theo chế độ ăn được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.

Phương pháp phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai.

  • Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,... Tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.

  • Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn.
  • Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời, vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu hơn sữa bột.

  • Cần tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi. Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 1494/QĐ-BYT ngày 22/4/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học.

  2. https://www.msdmanuals.com/

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư máu cấp tính

  2. U bạch huyết

  3. Vàng da tán huyết

  4. Hội chứng HELLP

  5. Thiếu máu cục bộ đường mật

  6. Tăng tiểu cầu

  7. Giả phình mạch

  8. Thiếu máu tan máu

  9. Bệnh Kawasaki ở trẻ em

  10. Cường lách